Sức mạnh dòng tiền
Last updated
Last updated
Sức mạnh dòng tiền (RRG), là một công cụ trực quan độc quyền để phân tích sức mạnh tương đối. Các nhà phân tích có thể sử dụng biểu đồ RRG để phân tích xu hướng sức mạnh tương đối của một số chứng khoán so với chỉ số chuẩn chung và so sánh chúng với nhau. Sức mạnh thực sự của công cụ này là khả năng vẽ biểu đồ trên 04 góc phần tư để xác định 04 giai đoạn của một xu hướng tương đối trên một đồ hình và hiển thị sự di chuyển từ góc phần tư này sang góc phần tư khác theo thời gian thực.
Trước khi xem xét việc sử dụng RRG chart, chúng ta hãy xem xét 02 đầu vào chính:
Sức mạnh (Chỉ số RS - Relative Strength)
Đà (chỉ số RM - Relative Momentum).
Lưu ý: Cả 02 chỉ số đầu vào đều “được chuẩn hóa", nghĩa là các chỉ số này được thể hiện bằng cùng một đơn vị đo lường và dao động trên / dưới cùng một mức (100). Quá trình chuẩn hóa này có nghĩa là làm cho các giá trị chỉ số RS của các chứng khoán khác nhau có thể so sánh được với nhau, miễn là cùng sử dụng một chỉ số làm chuẩn.
Ngoài ra, khi bấm chọn vào các chấm trên đường di chuyển của RRG đại diện cho cổ phiếu hoặc ngành, thông tin chi tiết về chỉ số RS và RM sẽ được hiển thị rõ ràng theo ngày. Điều này giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan và cụ thể về hiệu suất và động lực của cổ phiếu hoặc ngành đó trong thời gian gần đây.
Chỉ báo Sức mạnh-RS là một chỉ báo đo lường xu hướng theo hiệu suất tương đối, sử dụng tỷ lệ để so sánh một chứng khoán này với một chứng khoán khác (thường lấy một chỉ số làm chuẩn).
Được thiết kế với mục đích xác định hướng của hiệu suất tương đối và đo mức độ mạnh mẽ của xu hướng đó, chỉ báo Sức mạnh-RS cung cấp cho các nhà phân tích biểu đồ một công cụ rõ ràng và hữu ích.
Khi chỉ số này vượt qua mức 100, nó thể hiện một xu hướng tăng về hiệu suất tương đối và mức độ tăng trên hơn 100 càng lớn thì xu hướng tăng về hiệu suất tương đối càng mạnh.
Ngược lại, khi chỉ số chạm mức dưới 100, nó ám chỉ một xu hướng giảm về hiệu suất tương đối và mức độ thấp hơn 100 càng nhiều thì tượng trưng cho một xu hướng giảm mạnh mẽ.
Lưu ý: Tương tự như các chỉ báo theo xu hướng khác như đường trung bình động (MA), mô hình chỉ báo Sức mạnh-RS cũng sẽ thể hiện đặc điểm trễ so với giá. Điều này đồng nghĩa rằng sự thay đổi hướng lên của giá cổ phiếu thường xảy ra trước khi chỉ báo Sức mạnh-RS vượt qua ngưỡng 100. Ngược lại, sự điều chỉnh xuống của giá thường xảy ra trước khi chỉ báo Sức mạnh-RS cắt xuống dưới mức 100.
Trước khi chúng ta khám phá chi tiết về chỉ báo Đà-RM, hãy xem xét sâu hơn về khái niệm của động lượng và cách nó gắn liền với xu hướng. Tương tự như khi nghiên cứu biểu đồ giá, các nhà phân tích biểu đồ cần hiểu rằng:
"Động lượng thay đổi trước khi xu hướng thực sự đảo ngược. Tuy nhiên, không phải tất cả các động lượng đều dẫn đến sự đảo ngược xu hướng."
Chỉ báo Đà-RM là một công cụ đo lường động lượng (Rate-of-Change) của chỉ báo Sức mạnh-RS. Là một chỉ báo động lượng, nó đi trước dẫn dắt chỉ báo Sức mạnh-RS và có thể được sử dụng để dự đoán các điểm đảo chiều của chỉ báo Sức mạnh-RS.
Thông thường, chỉ báo Đà-RM cắt trên 100 khi chỉ báo Sức mạnh-RS đang hình thành đáy và bắt đầu tăng.
Ngược lại, chỉ báo Đà-RM cắt xuống dưới 100 khi chỉ báo Sức mạnh-RS đang hình thành đỉnh và bắt đầu giảm.
Lưu ý: Hãy lưu ý rằng Chỉ báo Đà-RM là một dạng chỉ báo phụ thuộc vào một chỉ báo chính (trong trường hợp này là chỉ báo Sức mạnh-RS). Thêm vào đó, với tính chất là một chỉ báo động lượng, nó thường di chuyển lên hoặc xuống qua ngưỡng 100 định kỳ. Các chuyên gia phân tích biểu đồ có thể quan tâm đến những biến đổi duy trì trên hoặc dưới mức 100 để dự đoán sự tương quan chéo tương tự đối với chỉ báo Sức mạnh-RS.
RRG được vẽ trên biểu đồ phân tán tiêu chuẩn với trục x (ngang) và trục y (dọc). Trong đó, chỉ báo Sức mạnh-RS là dữ liệu đầu vào cho trục hoành, trong khi chỉ báo Đà-RM là dữ liệu đầu vào cho trục tung. Điểm cắt của hai trục này nằm tại mức 100, hình thành bốn góc phần tư đại diện cho hiệu suất tương đối.
Ví dụ, nếu chúng ta lựa chọn các mã chứng khoán như VHM, VNM, VPB, CEO, POM, HPG, BSR và sử dụng VNINDEX là chỉ số tham chiếu, chúng ta sẽ thấy có tổng cộng 07 điểm trên biểu đồ RRG. Mỗi điểm trong đó đại diện cho giá trị của chỉ báo Sức mạnh-RS và chỉ báo Đà-RM tương ứng với mã chứng khoán cụ thể.
Nhóm Dẫn dắt (Sức mạnh > 100 & Đà > 100): Nếu một ngành nằm trong vùng góc phần tư màu xanh lá cây, điều này biểu thị cả chỉ báo Sức mạnh-RS và chỉ báo Đà-RM đều vượt quá mức 100 (+ / +). Chỉ báo Sức mạnh-RS tích cực thể hiện sức mạnh của cổ phiếu trong ngành, trong khi chỉ báo Đà-RM tích cực biểu thị đà tăng của cổ phiếu trong ngành vẫn đang duy trì mức độ tăng cao.
Nhóm Suy yếu (Sức mạnh > 100 & Đà < 100): Nếu một nhóm ngành nằm trong vùng góc phần tư màu vàng, điều này cho thấy chỉ báo Sức mạnh-RS vượt qua ngưỡng 100, thể hiện sức mạnh của cổ phiếu trong ngành đó. Tuy nhiên, chỉ báo Đà-RM thấp hơn mức 100, xuất hiện động lượng tiêu cực (+ / -), ngụ ý rằng xu hướng tăng đang trải qua sự đình trệ hoặc mất đi sức mạnh.
Nhóm Đội sổ (Sức mạnh < 100 & Đà < 100): Nếu một nhóm ngành nằm trong góc phần tư màu đỏ, điều này biểu thị rằng cả chỉ báo Sức mạnh-RS và chỉ báo Đà-RM đều dưới ngưỡng 100 (- / -), cho thấy đà tăng càng trở nên yếu hơn. Điều này ngụ ý rằng cổ phiếu có khả năng tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới.
Nhóm Phục hồi (Sức mạnh < 100 & Đà > 100): Nếu một nhóm ngành nằm trong vùng góc phần tư màu xanh lam, điều này chỉ ra rằng chỉ báo Sức mạnh-RS dưới ngưỡng 100, tượng trưng cho sự suy yếu của cổ phiếu trong ngành (- / +). Tuy nhiên, chỉ báo Đà-RM vượt qua ngưỡng 100 (+), ngụ ý rằng mặc dù sức mạnh giảm, xu hướng giảm đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục hoặc có thể đảo ngược.
Các mũi tên trên RRG của mô hình ở trên hiển thị chuyển động quay lý tưởng, theo chiều kim đồng hồ. Giả sử một khu vực hiện đang ở góc phần tư "Dẫn dắt" (màu xanh lá cây) và tuân theo vòng quay lý tưởng trên. Lưu ý rằng, chỉ báo Đà-RM là yếu tố dẫn dắt ở đây và sẽ là yếu tố thay đổi hướng đầu tiên.
Từ "Dẫn dắt" -> "Suy yếu": Chuyển từ góc phần tư "Dẫn dắt", động lượng (đà) sẽ dần yếu đi và chỉ báo Đà-RM sẽ di chuyển xuống dưới ngưỡng 100, đưa ngành hoặc mã cổ phiếu vào góc phần tư bên phải thấp hơn là "Suy yếu" (màu vàng).
Từ "Suy yếu" -> "Đội sổ": Sự suy yếu liên tục về động lượng (đà) cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến hướng của sức mạnh và chỉ báo Sức mạnh-RS cũng sẽ di chuyển xuống dưới ngưỡng 100, đưa ngành vào góc phần tư "Đội sổ" (màu đỏ).
Từ "Đội sổ" -> "Hồi phục": Ở góc phần tư "Đội sổ", dấu hiệu đầu tiên của sức mạnh sẽ là sự cải thiện về động lượng (đà). Khi chỉ báo Đà-RM vượt qua mức 100, ngành sẽ chuyển từ góc phần tư "Đội sổ" sang góc phần tư "Phục hồi" (màu xanh lam).
Từ "Hồi phục" -> "Dẫn dắt": Một nhóm ngành trong góc phần tư "Hồi phục" có thể vẫn giảm về sức mạnh, nhưng chỉ báo Đà-RM đang dần cải thiện. Điều này có thể báo trước sự chuyển sang góc phần tư "Dẫn dắt" (màu xanh lá cây). Theo thời gian, sự cải thiện về động lượng (đà) cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của cổ phiếu và chỉ báo Sức mạnh-RS sẽ vượt qua mức 100. Điều này sẽ đưa ngành vào góc phần tư "Dẫn dắt" (màu xanh lá cây), và chu kỳ sẽ bắt đầu lặp lại.
Biểu đồ sẽ càng thêm phần sinh động với những vòng cung xoay, chuyển động từ góc phần tư này sang góc phần tư khác. Trên đó, mỗi điểm trên vòng cung đại diện cho một ngày cụ thể trong lịch sử, và điểm được ký hiệu bằng mũi tên thể hiện ngày gần đây nhất.
Hơn nữa, độ dài và vị trí di chuyển của các vòng cung cũng mang ý nghĩa quan trọng. Cho dù tất cả các vòng cung này thể hiện cùng một khung thời gian 20 ngày trên biểu đồ, nhưng một số đường sẽ có độ dài khác nhau. Trong đó, vòng cung nào có "đuôi" dài nhất sẽ thể hiện mức độ di chuyển lớn nhất và biểu thị sự biến động nhiều nhất. Ngược lại, vòng cung nào có độ dài "đuôi" ngắn nhất, sẽ cho thấy sự di chuyển nhỏ nhất và thể hiện mức độ biến động ít hơn.
Bên cạnh đó, vị trí của vòng cung so với điểm chuẩn cũng là một dữ liệu quan trọng. Trong đó điểm chuẩn là điểm chữ thập giao nhau trên RRG (hay điểm có tọa độ [100,100]) hay còn được gọi là điểm gốc mà trục x và trục y giao cắt nhau. Vòng cung càng xa so với điểm chuẩn, thì sự thay đổi về hiệu suất tương đối (lên hoặc xuống) càng lớn. Trong khi đó, vòng cung càng gần điểm chuẩn thì sự thay đổi về hiệu suất tương đối (lên hoặc xuống) càng nhỏ. Nói cách khác, các đường ở xa hơn đại diện cho sự biến động lớn hơn và các đường ở gần hơn đại diện cho sự biến động nhỏ hơn.
Các vòng cung xoay không phải lúc nào cũng hoàn hảo về hình dáng và không nhất thiết lúc nào cũng phải xoay qua tất cả bốn góc phần tư theo chiều kim đồng hồ. Một cổ phiếu có thể chuyển qua các vùng Phục hồi , Dẫn dắt và Suy yếu, nhưng sau một thời gian, nó có thể quay lại vùng Dẫn dắt và tiếp tục đảm nhiệm vai trò dẫn đầu. Vì vậy, hướng là một yếu tố quan trọng để dự đoán hướng di chuyển của cổ phiếu trong tương lai. Một cổ phiếu tiềm năng là cổ phiếu có thể hướng về hướng Đông Bắc (vùng Dẫn dắt) hoặc Tây Bắc (vùng Phục hồi), bất kể vị trí hiện tại của nó đang ở góc phần tư nào. Nhiệm vụ của những nhà giao dịch là tìm ra những cổ phiếu tiềm năng này và thêm vào danh sách cổ phiếu cần theo dõi.
Mẹo Sử Dụng
Dễ nhận thấy trên biểu đồ RRG, có 2 tiêu chí chính là Đà và Sức mạnh.
Sức mạnh (RS) thể hiện mức độ tăng giảm của giá của một cổ phiếu so với thị trường chung, được thể hiện qua VN-INDEX. Nếu thị trường chung tăng nhẹ trong khi cổ phiếu tăng mạnh, RS của cổ phiếu sẽ cao, và ngược lại.
Đà (RM) đo lường tốc độ thay đổi của RS. Đường RM thay đổi càng nhanh, đà càng lớn, điều này chứng tỏ RS có khả năng tăng cao hơn nữa.
Khi cả hai đường RS và RM đều trên mức 100, điều này được coi là rất tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế, để cả hai đường đều vượt qua mức 100, có thể gây ra độ trễ và làm mất một phần cơ hội. Do đó, quan trọng là bắt đầu quan sát và lập kế hoạch hành động ngay khi cổ phiếu hoặc ngành đang trong quá trình hồi phục hoặc chuyển từ suy yếu sang hồi phục, hoặc từ hồi phục chuẩn bị sang dẫn dắt, và ngược lại.