Bảng giá
Last updated
Last updated
Bảng giá chứng khoán là nơi thể hiện tất cả thông tin liên quan đến giá và các giao dịch cổ phiếu của thị trường chứng khoán giúp cho nhà đầu tư có thể nắm bắt được diễn biến giá cả của các loại chứng khoán một cách nhanh chóng và chính xác.
Chỉ số VN-Index: là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE)
Chỉ số HNX-Index: chỉ số được tính toán dựa trên biến động giá cả tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội (HNX)
Chỉ số UPCOM: là chỉ số thể hiện xu hướng biến động giá của tất cả cổ phiếu giao dịch chưa được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán., thuộc sự quản lý của Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Chỉ số VN30-Index: là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu.
Đây là khu vực thông tin cơ bản
Mã chứng khoán (Mã CK): Danh sách các mã chứng khoán giao dịch, mặc định được sắp xếp theo thứ tự A – Z).
Ngành: Ngành tương ứng với mã chứng khoán theo KFSP phân loại.
Sàn: Sàn giao dịch hiện tại của cổ phiếu.
Giá tham chiếu (TC): Đối với sàn HSX và HNX, giá tham chiếu là mức giá đóng cửa tại phiên giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt). Giá tham chiếu được lấy làm cơ sở để tính toán Giá trần và Giá sàn. Riêng sàn UPCOM, giá tham chiếu được tính bằng Giá trung bình của phiên giao dịch gần nhất.
Giá trần/sàn (Trần/Sàn):
Giá trần và giá sàn là mức giá cao nhất và thấp nhất mà bạn có thể giao dịch tại một ngày, được tính dựa trên biên độ giao dịch tối đa so với giá tham chiếu. Giá trần được thể hiện bằng màu tím, giá sàn được thể hiện bằng màu xanh lam.
Cụ thể biên độ giao dịch tối đa tại từng sàn:
Ở HSX, biên độ là +/- 7%;
Ở HNX, biên độ là +/- 10%;
Ở UPCOM, biên độ là +/- 15%.
Tổng khối lượng khớp (Tổng KL): Là tổng khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một ngày giao dịch. Cột này cho bạn biết được tính thanh khoản của cổ phiếu.
Bảng giá có hai khu vực cho các lệnh chờ mua và chờ bán, đặt ở hai bên của khu vực khớp lệnh. Ở mối khu vực sẽ gồm 3 mức giá tốt nhất mỗi bên kèm với khối lượng chờ tương ứng. Với bên chờ mua, đó là 3 mức giá chờ mua cao nhất. Còn với bên bán, đó là 3 mức giá chờ bán thấp nhất. Các mức giá chờ mua/bán "4,5,6..." sẽ lần lượt xuất hiện nếu các mức giá 1,2,3 đã được khớp hết.
Đây là nơi hiển thị thông tin lệnh khớp gần nhất, bao gồm các thông tin:
Cột “Giá”: Mức giá khớp trong phiên hoặc cuối ngày.
Cột “KL” (Khối lượng thực hiện hay Khối lượng khớp): Khối lượng cổ phiếu khớp tương ứng với mức giá khớp.
Cột “+/-" (Tăng/Giảm giá): là mức thay đổi giá sao với Giá tham chiếu.
Lệnh khớp này có thể là do một ai đó mua chủ động tại các mức giá chờ bán có sẵn, hoặc bán chủ động tại các mức giá chờ mua có sẵn.
Giá cao nhất (Cao): Là mức giá cao nhất đã được khớp trong phiên, giá cao nhất không nhất thiết phải là giá trần.
Giá thấp nhất (Thấp): Là mức giá thấp nhất đã được khớp trong phiên, giá thấp nhất không nhất thiết phải là giá sàn.
Giá trung bình (TB): Là mức giá được tính từ các mức giá đã khớp trong ngày và tính theo bình quân gia quyênf (dựa trên khối lượng khớp từng mức giá).
Là khối lượng cổ phiếu được giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày giao dịch (gồm 2 cột Mua và Bán)
Cột “Mua”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đã mua.
Cột “Bán”: Số lượng cổ phiếu Nhà đầu tư nước ngoài đã bán.
Mã HĐ: Danh sách các hợp đồng tương lai (HĐ) được niêm yết trên thị trường.
Ngày đáo hạn: Ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng, sau đó hợp đồng sẽ hết hiệu lực.
Giá TC/Trần/Sàn: Giá tham chiếu (TC), giá trần (mức giá cao nhất), và giá sàn (mức giá thấp nhất) của hợp đồng tại ngày giao dịch.
Độ lệch: Chênh lệch về số điểm so với chỉ số VN30.
Khối lượng mở (OI): Tổng số hợp đồng đang mở trên thị trường. OI tăng khi có lệnh mở mới (mua hoặc bán) và giảm khi hợp đồng được đóng. Khái niệm OI:
Khối lượng mở (open interest – OI): là tổng vị thế mua/bán trên đang treo thị trường. Khi một nhà giao dịch mở vị thế mua, luôn có một nhà giao dịch khác mở vị thế bán đối ứng và ngược lại. Do đó, tổng vị thế mua trên thị trường luôn bằng với tổng vị thế bán, và con số này được gọi là khối lượng mở.
Ví dụ minh họa OI:
Giả sử, người A kỳ vọng HĐ VN30F2410 sẽ tăng, đặt mua 10 HĐ với giá 1,280. Người B kỳ vọng HĐ VN30F2410 sẽ giảm, đặt bán 10 HĐ với giá 1,280. => Khi giao dịch khớp lệnh, tổng OI = 10, A giữ 10 HĐ Long (vị thế mua), B giữ 10 HĐ Short (vị thế bán).
Tiếp theo, người C (mới) muốn mua thêm 3 HĐ 1,282, cần có một người đối ứng bán 3 HĐ 1,282 để khớp lệnh. + Nếu có người D (mới) thực hiện đặt bán 3 HĐ giá 1,282. =>OI tăng lên 13. Trong đó A 10 vị thế Long, B 10 vị thế Short, C 3 vị thế Long, D 3 vị thế Short + Nhưng nếu không có người mới đặt bán mà người A đặt bán 3 HĐ cho C. =>OI vẫn giữ nguyên ở mức 10. Trong đó A còn 7 vị thế Long, B 10 vị thế Short, C 3 vị thế Long.
Kết luận: OI là tổng số hợp đồng đã được mở và mở mới giữa các bên đối ứng. + OI tăng khi có nhà đầu tư mới tham gia thị trường mở vị thế hoặc nhà đầu tư cũ thực hiện lệnh mở vị thế mới. + OI giữ nguyên nếu các vị thế đối ứng từ nhà đầu tư cũ khớp lệnh với nhau mà không có lệnh mới.
Tổng khối lượng giao dịch: Tổng số hợp đồng đã khớp lệnh trên thị trường giữa các bên mua và bán trong phiên.
Thông tin khác: Bên đặt mua, bên đặt bán, khớp lệnh, giá cao nhất, giá thấp nhất của hợp đồng đã khớp, giá trung bình của phiên giao dịch và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Bảng này được chia thành 3 phần chính để cung cấp thông tin chi tiết về giao dịch trên thị trường, hoạt động tự doanh và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày giao dịch: Ngày diễn ra các giao dịch hợp đồng tương lai.
Mã HĐ: Mã hợp đồng tương lai đang được giao dịch.
Các mức giá:
Giá Tham chiếu: Giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó.
Giá mở cửa (O): Giá mở phiên giao dịch.
Giá cao nhất (H), thấp nhất (L), đóng cửa (C): Các mức giá biến động trong phiên giao dịch.
Tổng KLGD: Tổng khối lượng giao dịch (mua và bán) trên toàn thị trường.
OI: Khối lượng hợp đồng mở (chưa được đóng) tại thời điểm thống kê.
KL Mua: Khối lượng hợp đồng Tự doanh/Nước ngoài đã thực hiện giao dịch ở chiều mua trong ngày.
KL Bán: Khối lượng hợp đồng Tự doanh/Nước ngoài đã thực hiện giao dịch ở chiều bán trong ngày.
Tổng KLGD: Tổng số lượng hợp đồng đã giao dịch của Tự doanh/Nước ngoài, bằng tổng số hợp đồng mua + tổng số lượng hợp đồng bán.
KLGD Ròng: Khối lượng giao dịch ròng, bằng tổng số lượng hợp đồng mua - bán.
Lũy tiến: Tổng khối lượng giao dịch ròng của Tự doanh/Nước ngoài được cộng dồn từ ngày giao dịch đầu tiên của mã hợp đồng đó đến hiện tại. + Lũy tiến > 0: Tự doanh/Nước ngoài đang mua nhiều hơn bán, kỳ vọng giá tăng. + Lũy tiến < 0: Tự doanh/Nước ngoài đang bán nhiều hơn mua, kỳ vọng giá giảm.
TD/TT: Tỷ lệ tổng khối lượng giao dịch của Tự doanh/Nước ngoài so với tổng khối lượng toàn thị trường.